Home
» Blog Radio
» Sách-Tài liệu
» Truyện
» Truyện audio
» Blog Radio 350: Vì cuộc đời đã cho mỗi chúng ta một người mẹ
Blog Radio 350: Vì cuộc đời đã cho mỗi chúng ta một người mẹ
Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014
Blog Radio - Dù cho có mất mát bao nhiêu thì hạnh phúc vẫn luôn đỗ quanh ta vì cuộc đời này đã cho mỗi người chúng ta một người mẹ. Dù mẹ có ở gần hay xa ta đi chăng nữa thì tình yêu mẹ dành cho ta vẫn luôn tròn đầy và nguyên vẹn như thế. “Cảm ơn mẹ vì tất cả, vì mẹ đã hy sinh gánh cả cuộc đời con trên đôi vai gầy yếu!” . Hạnh phúc chẳng phải điều gì cao sang, chẳng cần nhà cao của rộng, hạnh phúc đơn giản là được sống trong một mái ấm gia đình, có mẹ, có bố luôn yêu thương hai đứa con hết mực. Dù có thiếu thốn nhưng đó lại là những hạnh phúc bình dị mà có lẽ nhiều người chưa từng được trải qua. Gia đình chính là hạnh phúc vô tận!
***
Hạnh phúc của mẹ là có con bên đời
Cuộc đời của mẹ là một chuỗi dài bất hạnh, mọi thứ tưởng chừng như chỉ có thế, nỗi đau và nước mắt, không một tiếng cười, không một niềm vui. Mẹ cứ nghĩ, tiếp cuối quãng thời gian của đời mình vậy là hết, không hi vọng có chút ánh sáng nào chiếu rọi. Nhưng mây đen rồi sẽ tan biến, khoảng trống rồi cũng được lấp đầy. Vào một ngày nào đó con người ta cũng tìm được hạnh phúc cho chính mình, dù nó có xa lắm hay phải đợi chờ bao nhiêu..thì rồi cũng sẽ đến.
Và ngày đó chính là ngày mẹ được nghe tiếng khóc chào đời của con, là ngày mà mẹ cảm nhận được hạnh phúc là như thế nào. Khoảng khắc đó, cái khoảng khắc mà tim mẹ như ngừng đập, thời gian như ngừng chảy, trong con mê man mẹ nhận rõ khuôn mặt của con bé bỏng đáng yêu nhường nào. Điều ấy luôn khiến cho mẹ chỉ muốn che chở, bảo vệ con mãi. Con, là thiên thần của đời mẹ, là ánh sáng ấm áp chạm vào cuộc sống của mẹ. Con làm mẹ cười, con làm mẹ hạnh phúc. Dù những điều đó có giản đơn nhỏ bé nhất.
Mỗi ngày trôi qua, dù khó khăn hay cực khổ, chỉ cần có con bên cạnh, chỉ được nghe tiếng cười của con, thì đã đủ xóa tan bao muộn phiền, mệt nhọc trong mẹ. Con biết không, từ khi con xuất hiện, con đã làm thay đổi mọi suy nghĩ của mẹ. Cứ như một phép màu vậy, con khiến mẹ nghị lực hơn, bởi mẹ biết còn một cô con gái bé bỏng đang chờ mẹ. Con khiến mẹ kiên cường hơn, bởi mẹ muốn bảo vệ con trên từng bước đi vào đời. Và con khiến mẹ hơn bao giờ hết muốn được sống, bởi mẹ rõ mẹ yêu con và cần con đến nhường nào.
Thiếu con, coi như mẹ mất tất cả, tình yêu và sự sống. Có con, coi như mẹ có tất cả, niềm vui và hạnh phúc. Yêu lắm, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt long lanh, lúc nào cũng nói nhớ mẹ, rồi lại nước mắt ngắn nước mắt dài mỗi khi mẹ ốm nặng. Nhưng con yêu à, lúc con như thế càng làm cho tình yêu của mẹ dành cho con ngày càng lớn như chưa bao giờ ngừng chảy mà thôi.
Con sinh ra trong một gia đình thiếu túng, cơm chẳng đủ no, áo chẳng đủ mặc. Vì thế con gái của mẹ đâu có bao giờ được ăn những vật ngon của lạ, được khoác những chiếc áo sang trọng lên người, chỉ những điều ấy thôi đã làm mẹ không thôi xót xa trong lòng. Lắm lúc mẹ cũng từng nghĩ, liệu con tồn tại trong gia đình này có là bất hạnh, những lại nhanh chóng xóa tan ý nghĩ tồi tệ ấy ra khỏi đầu.
Bởi phải chăng vì nghèo, vì con thiếu thốn nhiều thứ, mà bao giờ mẹ cũng muốn bù đắp cho con. Tất cả những gì mẹ có thể làm, đưa đón con đi học dù công việc của mẹ có bận bịu bao nhiêu, cố gắng để có thể làm đủ tiền đóng học phí cho con và bồi bổ con những món ăn ngon vào cuối tuần.
Mẹ không muốn con khóc vì bất cứ chuyện gì. Chỉ mong con hạnh phúc, cho dù mẹ có phải đánh đổi bao nhiêu. Con lớn lên trong tình yêu của mẹ và trong sự khó khăn, nên thân hình con lúc nào cũng gầy guộc đáng thương. Thấy con đi học, một bước vào đời, có bạn có bè, có thầy cô. Lúc nào về nhà cũng tươi cười khoe mẹ những điểm chín điểm mười, những chuyện vui ở lớp. Con vui một, mẹ vui mười. Nhìn con chăm ngoan học giỏi mẹ nở mày nở mặt biết bao,đi đâu cũng nghe người ta tấm tắc khen con, mẹ tự hào lắm.
Đó là những ngày tháng ấm áp của mẹ con mình, nhưng khi mùa đông đến, mẹ lại lo lắng bội phần, lo về cái giá rét mà mùa đông đem tới, làm sao có đủ tiền để mua những chiếc áo ấm cho con và cả cơn sốt của những ngày giao mùa nữa. Nhìn bạn bè con, đứa nào cũng có áo mới mà con của mẹ thì chỉ có mỗi chiếc áo mỏng manh cũ kĩ. Con buồn, mẹ cũng buồn nhiều lắm. Bởi thế, mẹ luôn ghét mùa đông và mong nó trôi qua thật nhanh. Vì nó làm con mẹ buồn.
Nhưng chuyện gì qua thì cũng sẽ qua, đến rồi cũng sẽ đến. Mẹ không thể đi với con đến cuối chặng đường, mẹ không thể bảo vệ con mãi trên chuyến xe cuộc sống. Nhưng mẹ sẽ luôn dõi theo con, sẽ luôn ủng hộ những việc con lựa chọn. Sau này, dù mẹ có già yếu, thì hãy nhớ rằng phải sống thật tốt và mặc con có là người tốt hay xấu thì tình yêu của mẹ đối với con cũng không phai nhòa.
Con vẫn thường hay hỏi hạnh phúc của mẹ là gì, thì bây giờ mẹ có thể trả lời rằng đôi khi nó chỉ là thấy con hạnh phúc, chỉ được ăn với con những bữa cơm đạm bạc hay tóm lại, hạnh phúc của mẹ là có con bên đời.
- Nguyễn Thị Diễm Quỳnh
Ngày hôm nay, trong bữa cơm trưa chủ nhật quây quần gia đình, bố tôi nói: “Bây giờ sướng không các con? Nhà cao cửa rộng, thoáng mát, đầy đủ. Ngày xưa nhìn tụi bay khổ quá, hơn hai chục năm lúc rúc trong một gian nhà cấp bốn bé tí teo. Nghĩ lại thấy mà tội”. Không bố ạ, con chưa bao giờ thấy khổ trong suốt mười tám năm qua. Đó vẫn luôn là những ngày hạnh phúc của con, của gia đình mình. Ngày xưa, nhà tôi còn khó khăn lắm. Ngày ấy mới lập gia đình, lại nuôi hai đứa con ăn học, bố mẹ tôi vốn không được học hành đến nơi đến chốn, làm nghề tự do nên vất vả vô cùng. Mẹ tôi ngày ấy làm nghề may quần áo cho xưởng may, còn bố tôi làm thợ xây. Hai bố mẹ còn gồng gánh thêm mấy sào ruộng lúa nữa. Với đồng lương ít ỏi mỗi tháng nhưng bố mẹ tôi luôn chăm sóc hai con đầy đủ. Chúng tôi được đi học như bao bạn bè khác, cũng quần áo tươm tất, đồ dùng học tập đầy đủ. Với tôi, đó là hạnh phúc vô bờ.
Dù có những lúc hết tiền, bữa cơm nhỏ chỉ có rau muống, cà muối và hai bìa đậu phụ cho bốn người nhưng nó vẫn thật ngon biết bao nhiêu khi bữa cơm tràn ngập tình yêu thương gia đình, mà mẹ tôi vẫn thường nói: “ăn ít ngon nhiều” mà. Nhớ những ngày mưa rào ấy, mái ngói lại dột tong tỏng vào nhà, ướt hết giường, bố mẹ lấy áo mưa trải lên trên giường cho đỡ ướt chiếu, đẩy chúng tôi nằm ra chỗ khô còn mình thì nằm ra chỗ ướt. Bố mẹ nói: “Nóng thế này, nước mưa càng mát”… Rồi hôm sau khô ráo, bố lại hì hụi trèo lên mái ngói sửa sửa, lợp lợp. Tôi hạnh phúc vì có một người bố đảm đang, tự tay xây cả cái nhà nhỏ xinh cho gia đình. Nhà nhỏ có mỗi chiếc giường bốn người nằm chung nhưng chẳng bao giờ hai chị em tôi thấy chật, cứ muốn quấn quýt lấy bố mẹ, nhất là những ngày mùa đông, thật ấm áp biết bao.
Ngày ấy không có nước máy hay nước giếng khoan như bây giờ, bố mẹ tôi toàn phải gánh nước từ bên khu tập thể gần đấy về, đổ vào cái chum sành dùng dần. Thế nên mỗi lần mưa to, cả nhà lại thích thú mang xô và chậu ra hứng nước mưa từ cái giọt ranh chảy xuống, sau để lắng cặn rồi hớt nước ở trên dùng. Chị tôi bảo mẹ: “Ông trời cho nước, mẹ đỡ phải gánh! Con thích trời mưa mẹ ạ”. Tôi hồi bé bé ấy cũng thích lắm, bê cái cốc ra hứng chẳng mấy chốc là đầy lại chạy vào khoe thành tích với mẹ. Những niềm vui ấy, có bao giờ tôi quên? Những ngày hè mưa to, buồn chán, chị tôi lại dạy tôi gấp thuyền rồi thả ra sân cho nước mưa đẩy thuyền đi xa. Chị bảo tôi viết điều ước vào thì sẽ thành sự thật. Tôi ngày ấy chẳng suy nghĩ gì nhiều, viết luôn là ước có một con búp bê biết khóc thật to. Còn chị tôi, tôi thấy chị viết lâu lắm, tôi hỏi thì chị bảo chị ước sẽ học thật giỏi, được thưởng nhiều vở bố mẹ đỡ tốn tiền mua…
Nhớ vụ lúa tháng năm năm lớp năm, được nghỉ hè, bố mẹ cho cả hai chị em tôi ra đồng gặt lúa, cũng cầm liềm như những người nông dân thực thụ. Bố trêu cả nhà nhìn tôi giống nông dân quá, mặt đỏ gay gắt mà hăng hái cầm liềm đi gặt từng khóm lúa. Ấy cái nắng cuối tháng năm gay gắt vậy nhưng cả nhà cùng làm việc tràn ngập tiếng cười thì nhọc nhằn bay đâu hết, đứa bé như tôi cũng chẳng hề thấy mệt, càng gặt càng hăng, đến lúc bố bảo nghỉ trưa mà hai chị em vẫn hào hứng muốn cắt lúa tiếp. Đến chiều thì cũng gặt xong được khá nhiều, chị tôi phát hiện ra có tổ chim non trên ruộng lúa, tôi khoái lắm, tíu tít đến xem những quả trứng bé xinh….Và cứ sau mỗi mùa thu hoạch ấy, bố mẹ tôi lại giành một phần thóc để ăn, phần còn lại đem bán lấy tiền và luôn dành ra vài cân để nổ cả một bao tải bỏng gậy cho hai chị em tôi ăn. Những hạnh phúc ấy tưởng chừng nhỏ nhoi nhưng với tôi là hạnh phúc bất tận.
Nhà nghèo nên tôi cũng chẳng có nhiều đồ chơi, chị tôi ngày đấy đi học suốt,thế nhưng tôi chẳng bao giờ chán. Tôi thích cái cảm giác được nằm lăn lộn lên đống vải lanh mềm mại, mát rượi mà mẹ máy, tôi cảm thấy dễ chịu và thoải mái vô cùng. Mẹ dạy tôi khâu vá, dạy tôi may quần áo cho búp bê. Nghèo khó nhưng cứ đến Tết, như thường lệ mẹ tôi lại mua một túi bóng bay một trăm quả cho hai chị em. Mẹ bảo Tết là các con phải được vui chơi thoải mái, mẹ thưởng. Hay đến những ngày Tết thiếu nhi, hoặc ngày 30/4-1/5,bố mẹ lại đưa cả hai chị em đi công viên chơi, chẳng kém chúng bạn tẹo nào…
Đặc biệt mẹ tôi hát rất hay nên tôi cũng thích hát lắm, mẹ tôi dạy cho tôi biết bao bài hát thiếu nhi. Với tôi, mẹ là cô giáo giỏi nhất, mẹ có thể dạy tôi mọi thứ. Cả hai chị em cứ đến bốn tuổi là mẹ tôi dạy đọc, dạy viết, dạy làm toán. Mẹ là cô giáo nhiệt tình và dạy dễ hiểu nhất nên cả hai chị em tôi đều thích học và học rất nhanh. Tôi nhớ những câu chuyện của mẹ, mẹ hay kể chuyện cho chúng tôi mà nghe mà đều là những câu chuyện độc đáo, mới lạ vô cùng. Đó là những câu chuyện ngày xưa của mẹ, những câu chuyện thời kì chiến tranh mà chúng tôi không hề biết tới… Quần áo của tôi ngày ấy chẳng phải những bộ quần áo đi mua như bây giờ, tất cả đều là tự tay mẹ tôi may từ những mảnh vải đầu tấm mà mẹ tôi xin từ xưởng. Thế nhưng tôi thích thú lắm, tôi thấy nó đẹp hơn hết thảy những thứ quần áo khác. Mỗi khi mẹ bảo mẹ sẽ may quần áo mới cho tôi là tôi lại háo hức lắm, đên khi mẹ may xong thì thích đến nỗi cứ bộ ấy khô là lại mặc. Tôi còn đặc biệt thích mặc lại quần áo của chị, cái gì của chị, tôi cũng đều thích dù nó cũ đến sắp rách rồi. Mẹ cười hiền hay trêu tôi toàn “cũ người mới ta”…
Ngày xưa ấy là ngày mà cả nhà có mỗi một cái xe đạp cào cào bố tôi dùng để đi làm. Mẹ tôi thì toàn xin nhận hàng về may tại nhà để còn lo đồng áng, cơm nước và chăm sóc con cái. Nhớ những ngày ấy chẳng phải vi vu trên chiếc xe máy như bây giờ, tôi nhớ những lúc được bố đèo đi học trên chiếc xe đạp kì cạch dưới trời nắng oi bức đến trường. Những vòng bánh xe quay đều đều theo những câu chuyện bố kể khi đèo tôi vì sợ tôi ngủ gật đằng sau thì ngã mất. Những vòng quay ấy cứ quay đều đều thật yên bình và nhẹ nhàng, những vòng bánh lăn qua từng con đường theo tháng năm chúng tôi khôn lớn… Thấm thoắt cũng hai mươi tư năm trôi qua, bố mẹ tôi tích góp, dành dụm ấy vậy mà xây được hẳn căn nhà tầng rộng rãi, tôi thấy phục bố mẹ tôi quá. Chị tôi giờ đã ra trường đi làm, còn tôi thì đang học đại học. Nghĩ lại ngày xưa thấy vừa ngọt vừa đắng…
Tôi nhai nốt miếng cơm trong miệng rồi trả lời bố: “Nhà nghèo nhưng bọn con chẳng phải khổ giây phút nào cả, chỉ thương bố mẹ ngày ấy vất vả để tụi con được đầy đủ. Cả bố cả mẹ đều gầy giơ xương mà con thì vẫn béo ú..”.
Mẹ tôi cười xòa: “Bố mẹ có đi làm vất vả, lăn lộn cũng chẳng thấy khổ tí nào. Vì bố mẹ có hai cô con gái học giỏi, giờ thì đều đỗ đại học, đấy là hạnh phúc nhất rồi.” Hai chị em tôi nhìn nhau cười không nói. Tôi tiếp tục ăn cơm, gắp miếng thịt bỏ vào miệng rồi nghĩ: “Ngày xưa ăn cà muối cũng thấy ngon như ăn thịt vậy.”…
Vậy đấy, hạnh phúc chẳng phải điều gì cao sang, chẳng cần nhà cao của rộng, với tôi hạnh phúc đơn giản là được sống trong một mái ấm gia đình, có mẹ, có bố luôn yêu thương hai đứa con hết mực. Dù có thiếu thốn nhưng đó lại là những hạnh phúc bình dị mà có lẽ nhiều người chưa từng được trải qua. Gia đình chính là hạnh phúc vô tận trong tôi!
- Kem Chanh
- Gánh cả cuộc đời con
Trời đổ nắng chang chang. Cái nắng của Sài Gòn thật gắt biết bao, chỉ cần ngồi là đủ để đỏ ửng và nhỏ mồ hôi. Thế mà mặt đất kia đã thấm không biết bao nhiêu giọt mồ hôi vất vả và yêu thương của trái tim lớn mà tôi không bao giờ có thể trả hết ơn.
Mẹ rảo bước trên khắp nẻo đường cùng với thân hình gầy guộc, luộm thuộm và buồn hơn là trong mắt người khác có thể gọi đó là dơ dáy, bẩn thỉu, hôi hám hay thậm chí là có thể mang mầm bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng. Buồn và đau lắm chứ, tôi thấy hết tất cả nhưng chẳng thể làm gì được bởi vì đơn giản tôi là một đứa trẻ tàn tật, chẳng nói, chẳng đi được và cũng chả thể suy nghĩ được nhiều điều lớn lao. Tôi cứ như thế đờ đẫn, hững hờ trước thế giới xung quanh. Nhưng... mẹ vẫn luôn bên tôi. Hai mẹ con tôi nương tựa nhau sống qua ngày bằng những tờ vé số mà người qua đường thương tình mua giúp. Bởi vì không có tiền nghĩa là tôi và mẹ sẽ đói, bụng sẽ sôi sùng sục và cả những lúc quặng đau như chính những mảnh đời bất hạnh khác giống chúng tôi sống nhờ những đồng tiền ít ỏi kiếm được từ những tấm vé số màu sắc sặc sỡ kia.
Từ nhỏ tôi đã không bình thường như những đứa trẻ khác, không thể chạy nhảy, vui đùa, hòa đồng với bạn bè. Điều mà tôi có thể làm được là nằm đó hay ngồi đó để chờ được ăn, được chăm sóc và ngủ thế thôi. Nhưng mẹ vẫn luôn bên tôi, không bao giờ bỏ rơi tôi - điều mà mẹ có thể chọn để làm. Tôi cũng không biết phải hiểu điều đó như thế nào nữa. Và dường như cái khổ vẫn luôn đeo bám chúng tôi, buộc mẹ phải khó nhọc cõng tôi rảo bước khắp nơi bán từng tờ vé số. Nếu nhìn kĩ, bạn sẽ thấy tôi chỉ có thể cười khi thấy mẹ. Khi nắng nóng, mẹ nhẹ nhàng lau những giọt mồ hôi cho tôi với nụ cười ấm áp. Càng ngày tôi càng lớn thêm và ngày một nặng hơn thì cũng là lúc mẹ già đi. Mẹ đi ngày càng chậm dần, mẹ thở gấp nhiều hơn và khuôn mặt càng tái xanh hơn.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng hoàn mỹ như tôi nhìn thấy có mây trắng, có cây xanh, nắng ấm và dòng người hối hả. Những cơn mưa bất chợt của Sài Gòn càng làm cho mẹ lo lắng nhiều hơn. Những lúc như vậy, việc bán vé số trở nên ế ẩm và chúng tôi phải chạy vội để trú mưa dưới mái hiên ven đường hay nhà chờ xe buýt gần nhất. Rồi những khi cơn mưa lớn, dông bão, sấm chớp liên hồi, gió mạnh thổi nghiêng cả những cành lớn, rít từng cơn lạnh thấu vào xương. Tôi nép mình vào mẹ, run lên sợ hãi. Khi ấy, mẹ vỗ vỗ nhè nhẹ vào vai tôi và ôm tôi vào lòng như thể bảo rằng mẹ đang ở đây nhưng tôi lại thoáng nhìn thấy mắt mẹ long lanh ướt.Và... tôi hiểu rằng, mẹ đang lo cho tôi. Giờ mẹ còn sống, còn bên tôi để bảo bọc và che chở tôi giữa thế giới quá rộng lớn này nhưng mai kia khi mẹ nằm lại dưới những lớp đất thì... Ai sẽ là người chăm sóc cho con?
Và khi mưa tạnh mẹ lại tiếp tục cõng tôi và rảo bước trên đường đời – con đường định mệnh của cả hai. Không một lời than vãn, oán trách, mẹ biết rằng còn sống ngày nào nghĩa là mẹ con ta sẽ ở bên nhau ngày đó.
Có thể tôi không may mắn như các bạn, có thể nói những lời yêu thương, có thể khóc cười một cách bình thường và thể hiện tình cảm của bản thân mọi lúc nhưng tôi tin rằng hạnh phúc đã dừng chân tại giây phút này – giây phút cuộc đời tôi có mẹ bên cạnh để những mây mù của bất hạnh được lấp đầy bằng ánh sáng hạnh phúc của tình mẫu tử.
Nếu có một phép tiên kỳ diệu, tôi mong rằng mình sẽ trở nên bình thường như bao người để tôi có thể phấn đấu trở thành niềm tự hào của mẹ, để không chỉ nói lời yêu mẹ mỗi ngày mà còn hành động vì điều đó. Tin tôi đi các bạn ạ, dù cho có mất mát bao nhiêu thì hạnh phúc vẫn luôn đỗ quanh ta vì cuộc đời này đã cho mỗi người chúng ta một người mẹ. Dù mẹ có ở gần hay xa ta đi chăng nữa thì tình yêu mẹ dành cho ta vẫn luôn tròn đầy và nguyên vẹn như thế.
“Cảm ơn mẹ vì tất cả, vì mẹ đã hi sinh gánh cả cuộc đời con trên đôi vai gầy yếu kia.”
- Thu Vang
Nguồn: http://blogviet.com.vn/
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét